Friday, September 6, 2013

SẦU ĐÂU, SẦU ĐÔNG, CÂY THUỐC TRỊ BÁ CHỨNG

SẦU ĐÂU, SẦU ĐÔNG, CÂY THUỐC TRỊ BÁ CHỨNG 02.01.2012 ĐỂ LẠI PHẢN HỒI Cây sầu đâu Cây sầu đâu được các nhà khảo cứu Ấn Độ và Pakistan chú ý trước tiên và rất nhiều vì nó đã được kê khai vào những môn thuốc cổ truyền các nước ấy. Có tác dụng trong lãnh vực chống viêm, kháng vi khuẩn, kích thích miễn dịch, nó được tôn vinh là “cây dược phẩm trong làng” (2). Thật ra cây sầu đâu mọc ở nhiều nơi, ở Việt Nam cũng như ở các nước khác, từ châu Á qua châu Phi, đặc biệt ở Nigeria. Vào thập niên 30, máy móc phân tích chưa tinh vi, công thức các hóa chất chưa được biết rõ ràng. * * * Sương chiều phủ kín chân không, Cuối thu hoa nở sầu đông muộn màng, Lòng nghe sao quá bẻ bàng, Sợ mùa đông đến hoa tàn sầu đông. (Nguyễn Cơ – hoathonhac.blogspot.com) SẦU ĐÂU, SẦU ĐÔNG, CÂY THUỐC TRỊ BÁ CHỨNG Sầu đâu là một cây quen thuộc ở Việt Nam. Nó mọc ở ngoài Bắc cũng như ở trong Nam, trên đồi núi cùng suốt miền đồng bằng. Ông cha ta đã từng hái lá bỏ vào chum vại để trừ sâu, nấu nước tắm súc vật, sắc thuốc từ vỏ thân, vỏ rễ, hột, lá để tẩy giun, diệt trùng, chữa bệnh ngoài da hay viêm âm đạo. Tuy đã được dùng từ lâu trong hệ thống Ayurvedic bên Ấn Độ, trình bày trong các sách y khoa Phạn tự thời xưa như Susrutasanhita, được thế giới chú ý từ hơn một nửa thế kỹ nay, mãi đến gần đây nó mới được các phòng thí nghiệm, các hãng kỹ nghệ khảo cứu sâu rộng để khai thác những hoạt chất độc đáo của nó. Một số lớn luận án tiến sĩ, các văn bằng sáng chế đã nghiên cứu cặn kẽ cấu trúc, thành phần hóa học cùng những tính chất dược lý của những hoạt chất ấy. Không hiếm những bản tổng kết đăng ở các báo và những sách chuyên môn xuất bản riêng biệt gom góp những kết quả đạt được. Các nhà khảo cứu còn tổ chức nhiều hội nghị quốc gia như bên Ấn Độ hay quốc tế : Rottach Egern (1980), Rauisch Holzhausen (1983), Eschborn (1984) Sofia (1985), Nairobi (1986),… để trình bày, trao đổi, thảo luận về những cơ chế tổng hợp hay tác dụng của những hoạt chất lên các cơ quan sinh vật. Năm 1995, cả một bộ sách dày hàng trăm trang gồm hàng chục chương đi vào chi tiết của mọi lãnh vực khảo cứu (1). Trong rất lâu, vấn đề danh từ chưa được thống nhất. Tên các hóa chất được đặt ra rất hỗn độn, không theo một hệ thống hay một trật tự nào. Ở Việt Nam ta ngay cả tên cây cũng chưa được định nghĩa rõ ràng. Cuốn Tự điển Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội (Hà Nội 1994, tr.824) chưa phân biệt cây xoan và cây sầu đâu. Ở Huế cũng như ở miền Nam tên còn được thi vị hóa thành sầu đông. « Hoa sầu đông nở trắng, Hương xuân thầm lan xa. Nghe tháng giêng Đông Hà, Lên màu hoa tím nhạt » (Võ Quê). Trong cuốn Cây thuốc Việt Nam của Viện Dược liệu, Nxb Khoa học và Kỹ thuật (Hà Nội 1990, tr.97, 263), cũng như trong các cuốn Thuốc trị bệnh từ cây cỏ hoang dại của Lê Quý Ngưu và Trần Như Đức, Nxb Thuận Hóa (Huế 1995, tr.394), Les plantes médicinales au Vietnam của ACCT (Paris 1990, tr.151), cả hai tên xoan và sầu đâu (hay sầu đau) đều được đặt cho cây Melia azedarach. Xin tạm gác một bên những tên xoan rừng, sầu đâu rừng, sầu đâu cứt chuột dành cho cây Brucea javanica (Linn.) Merr. thuộc họ Thanh thất Simaroubaceae và tên sadao hay sầu đâu Thái Lan đặt cho câyAzadirachta indica siamensis. Theo Giáo sư Phạm Hoàng Hộ trong cuốn Cây cỏ Việt Nam (Montréal 1992, Q.II, t.1, tr.487) sầu đâu là Azadirachta indica Juss., sầu đâu cao là Azadirachta excelsa (Jack) Jacobs, còn xoan là Melia azedarach L., xoan đào là Melia azedarach cultivar tosendam, tất cả thuộc họ Xoan Meliaceae. Trong sách Những cây thuốc thông thường, Nxb Đồng Tháp (Sa Đéc 1987, tr. 265) Võ Văn Chi cũng gọi Azadirachta indica là sầu đâu, còn thêm tên xoan đào. Sau cùng, Giáo sư Đỗ Tất Lợi trong cuốn Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Khoa học và Kỹ thuật (Hà Nội 1986, tr.181,1147) thì cho sầu đâu là Melia azedarach, thêm vào các tên xoan trắng, xuyên luyện, khổ luyện, đốc hiên,… Sau đó ông phân biệt Melia azedarach hay Melia indica là xoan Ấn Độ, còn Melia toosendam là xoan Tứ Xuyên hay xoan Tây Bắc. Kiểm điểm những cách gọi vừa thấy, dựa lên đề nghị của Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, trong khi chờ đợi ý kiến của các nhà thảo mộc, xin tạm thời thống nhất các tên : * Sầu đâu là Azadirachta indica A.Juss. Người Ấn Độ trước kia đặt tên bakayan khác với nim (hay neem ) từ chữ phạn mahanimba. Người Telugu có tên vepa. Âu Mỹ dùng danh từ china berry, china tree, neem tree hay margosa.Vì vậy hóa chất có những tên bakayanic acid, neobakayanin,… nimbin, nimbinon, nimbinal,… margosa, margocin, margoson, .. azadirachtin, azadirachtol, azadirachion,… vepaol. * Xoan hay xoan Ấn Độ là Melia azedarach Linn. Người Ấn Độ gọi nó là djharek, còn Âu Mỹ thì có tên berry tree, có khi cũng gọi china berry. * Xoan Tứ Xuyên là Melia Toosendam Sieb. et Zucc. Cây neem bên Miến Điện Cây sầu đâu được các nhà khảo cứu Ấn Độ và Pakistan chú ý trước tiên và rất nhiều vì nó đã được kê khai vào những môn thuốc cổ truyền các nước ấy. Có tác dụng trong lãnh vực chống viêm, kháng vi khuẩn, kích thích miễn dịch, nó được tôn vinh là “cây dược phẩm trong làng” (2). Thật ra cây sầu đâu mọc ở nhiều nơi, ở Việt Nam cũng như ở các nước khác, từ châu Á qua châu Phi, đặc biệt ở Nigeria. Vào thập niên 30, máy móc phân tích chưa tinh vi, công thức các hóa chất chưa được biết rõ ràng. Khảo cứu có hệ thống chỉ bắt đầu với những công tác của S. Siddiqui ở Viện Đại học Karachi (Pakistan) từ những năm đầu thập niên 40. Hoạt chất nằm trong đủ mọi bộ phận của cây, từ hoa, lá, trái, hột qua thân, nhựa, cành, rễ. Ứng dụng của chúng bao gồm các lãnh vực canh nông, y khoa và ngay cả chút ít kỹ nghệ : bảo vệ mùa màng, chữa đủ thứ bệnh, chế tạo kính men. Việc khảo cứu tính chất trừ khử sâu bệnh đã được tăng gia những năm gần đây, mỗi năm hàng chục bản báo cáo trình bày tác dụng các hoạt chất của cây lên các loài sâu bọ. Hoạt chất được chiết xuất nhiều nhất là từ trái cây, phần lớn ở những trái chín tươi. Nhiều liều thuốc dùng ngay phần chiết thô. Một số lớn hóa chất được chiết từ hột, trung bình trọng lượng chiếm 10% của trái. Nhiều nghiên cứu chỉ cách ép hột ra dầu (thường được gọi neem oil, 45%) rồi mới chiết xuất từ dầu. Dung môi thường được dùng là rượu (methanol, ethanol), aceton, ether, ether dầu hỏa, chloroform, … và nước. Cũng có phương pháp tách từ dầu ra một chất đắng vô định hình (25%) cống hiến hoá chất qua các phép rửa, lọc, làm ròng. Hóa chất quan trọng đầu tiên được chiết ra là azadirachtin hay ấn khổ luyện tử tố. J.H. Butterworth và D.E. Morgan ở Viện Đại học Keele bên Anh ngâm hột sầu đâu trong ethanol rồi dùng phép sắc ký trên alumin tách ra một chật vô định hình. Sau nhiều lần lọc qua sắc ký lớp mỏng và cho tan hòa trong carbon tetrahydrochlorid, azadirachtin kết tinh thành bột, năng suất 0,7g /kg. Nhưng muốn có azadirachtin thật ròng (hơn 99%) thì phải cho nó qua máy sắc ký lỏng hiệu năng cao HPLC. Azadirachtin ròng cần thiết để xác định cấu trúc của nó qua các phương pháp cọng hưởng từ hạt nhân NMR, quan tuyến X, phối ký MS, đánh dứt một cuộc thảo luận giữa K. Nakanishi, W . Kraus và H.B. Broughton trong gần 15 năm sau 1975. Ngày nay, nhiều azadirachtin đồng vị đã được chiết xuất : loại A và B có nhiều nhất, C và D chỉ có ít. Dùng phép HPLC thì đồng thời với các azadirachtin kia, những nimbin, nimbolid, ohchinolid, deacetynimbin, azadiradion, salanin, ba azadirachtin H, I, K cùng hydroxy norazadirachtin cũng được chiết ra. Sau azadirachtin, phân tử được kảo cứu cặn kẽ nhất về cấu trúc là nimbin. Azadirachtin và các hoạt chất khác của cây đã được thử nghiệm lên nhiều loại sâu bọ, từ châu chấu, bọ hung qua dế mèn, sâu đậu, sâu lúa,… Tác dụng đầu tiên của là xua đuổi hoặc ngừa ăn trước khi sâu bọ cắn vào lúa, đậu hay trái cây. Nếu lỡ ăn vào thì một loạt phản ứng khác tác dụng lên nền sinh lý thần kinh và cơ thể chúng chẳng hạn để dừng chậm hay ngăn chặn quá trình biến thái của nhộng trần. Cả bốn azadiractin đều có tác động tương tự lên sâu đậu và bọ hung. Một phần các bản báo cáo chỉ định rõ ràng các hoạt chất, một phần cho biết là một phần chiết nhưng không biết từ bộ phận nào của cây hay trình bày qua một tên thương mãi : Margocide OK, CK, Neem-Azal, RB-a, RB-b, hoặc Margosan-O, Azatin, RH-99099, Neem PTI-EC4, NSE,… Trong y khoa, nhờ cống hiến chất bổ, làm se nên vỏ cây được dùng khi buồn nôn, oẹ mửa (16), để chữa tăng tiết dạ dày, loét thực quản, loét tá tràng (24). Phần chiết của hột có tác động lên tinh trùng nên được dùng ngừa thai (19). Lá dùng để chữa bệnh vàng da, đau gan, eczema (7). Hoạt chất diệt trùng, chống viêm thường được chỉ định trong phần chiết : nimbolid, nimbidin và nimbic acid trong hột, polysaccharid, nimbionon và nimbionol trong vỏ, alkenal, methylbutenol, flavanol glycosid trong lá, amin acid trong lá và vỏ. Nimbonon và nimbinol đã được đem thử với các vi khuẩn Gram dương như Bacillus subtilis, Staphylococcus epidermicis, S. aureus, và các vi khuẩn Gram âm nhưKlebsiella ozaen cùng khác vi khuẩn S. citreus, Streptococcus lactis, Acinetobacter calcoaceticus (15). Bên phần nimbolid thì tác dụng rất mạnh lên S. aureus, S. coagulase cũng như nimbic acid lên S. aureus, B. subtilis, S. coagulase và Diphtheroidae (9). Tính chất gây kháng thể (18), chữa loét, khối u (12,18), giảm hạ đường trong máu (23)đã được đề cập đến. Một tính chất cũng khá quan trọng là diệt muỗi, chữa trị sốt rét. Chiết từ lá, isonimbocinolid đã được thử lên Aedes aegypti (11), alcan Me(CH2)nMe (n = 16,17,24,32) lên Culex pipiens fatigans (8). Chiết từ hột, dipropyl disulphid diệt muỗi Aedes aegypti. Những chất có lưu huỳnh đóng vai trò trong việc xua đuổi không những muỗi mà còn các loài sâu bọ khác như sâu thuốc lá Heliothis virescens, sâu lúa mì H. zea (14). Gedium cũng là một chất chống sốt rét hiệu nghiệm (17). Một tính chất đã từng được biết ở nước ta là dầu sầu đâu không kích thích da(20) nên phần chiết từ hoa, lá, cành, rễ đã được pha trộn với nhiều chất khác để làm thuốc bảo vệ da (4,5), xà phòng liệu pháp (21), xà phòng chữa nấm da (22). Phần chiết từ hột được dùng để chữa da đầu, bảo dưỡng tóc, phòng ngừa tóc rụng (6). Còn phần chiết từ lá, gỗ, vỏ, thân pha với ethanol 90% thì được dùng trong việc phòng ngừa và chữa trị viêm lợi, viêm khớp răng (3). Qua một lãnh vực khác, tro gỗ thân cây được dùng trong kỹ nghệ đồ gốm : nhờ kích thước đúng mức, bản chất vô định hình, do đó khả năng phản ứng lớn, người ta đã đem nó thay thế calcite trong việc chế tạo kính, men phải nung lên đến 1250 độ. Hoa sầu đâu Sau cùng, còn có một bộ phận của cây ít được nói đến là hoa. « Rồi mỗi sớm mai, khi Sầu Đông bắt đầu nở hoa đón chào một ngày mới thì cả không gian lúc ấy được bao trùm bởi một mùi hương dìu dịu làm say đắm ngất ngây lòng người. Thời gian xuất hiện và tồn tại của hoa tuy thật ngắn, chỉ thoáng chớp trong vài ngày, thì màu hoa Sầu Đông đã bước vào độ tàn và chỉ cần một làn gió nhẹ thoảng qua thôi, là rồi những bông hoa cánh mỏng lại bắt đầu rụng rơi lả tả, vương đầy cả khắp những lối đi về. Cũng mãi chung thủy với sắc màu tim tím, biêng biếc ấy, nhưng khơi gợi biết bao nỗi niềm cho lòng xót xa bùi ngùi thương cảm, như hoài mong tiếc nuối những gì của ngày đã qua, đã rời xa mãi mà không bao giờ quay trở lại. Nhưng thật kỳ lạ thay, mùi hương dìu dịu ngọt lịm của hoa Sầu Đông cứ thơm mãi, vương vấn lên làn tóc của người con gái năm nào, níu kéo bước chân ai mỗi khi ngơ ngẩn, rồi lặng yên mãi cứ đứng ngắm nhìn. Xa quê thì lòng người luôn nhớ về nơi chốn cũ. Nơi Sài thành phố thị phồn hoa, tìm mãi cũng đâu thấy được loài hoa này… Để khi Thu sang Đông qua và Xuân tới rồi Hè về. Cứ chập chùng mê mãi trong qui luật vần xoay của tạo hóa, của đất trời và của cả dòng thời gian trôi. Bỗng nhớ về màu hoa tím biếc thuở nào của năm cũ. Biết tìm đâu màu tim tím của hoa sầu đâu? Bất chợt nhớ, bất chợt mong, Sầu Đông mênh mông trong cõi lòng…» (Thanh Ly). Hoa đẹp như vậy nhưng không chỉ để ngắm. Nó đóng một vai trò quan trọng trong ẩm thực. Nụ hoa cũng như lá non được dùng để làm rau ăn với thịt heo ba chỉ, tôm thẻ luột, cá lóc nướng. Nụ hoa và lá phải nhúng qua nước sôi cho bớt đắng, thêm vào dưa leo, cà chua, xoài xanh. Ở Miền Tây nước ta và Campuchia, hoa nở vào cuối năm là một đặc sản thường được dùng để làm gỏi sầu đâu, một món ăn bài thuốc lưu truyền trong dân gian. Hoa tước bỏ xơ cùng với với khô (khô mực, khô cá – cá lóc, cá trê, cá sặc -, khô nai) được trộn với chung với củ cải, dưa leo bào mỏng và nước mắm. Vị đắng của hoa tương tự như mướp đắng, mang tính trầm, gây ra một cảm giác ngọt trên đầu lưỡi. Người ta tin món gỏi lạ miệng ăn ngon nầy, vừa béo vừa thơm, còn có tác dụng mát gan, giải độc, chữa táo bón. Như vậy, từ canh nông, y khoa, qua kỹ nghệ, ẩm thực, cây sầu đâu đã đóng góp đắc lực. Tạo hóa đã khéo tổng hợp, chỉ trong một cây mà không biết bao nhiêu là hóa chất : cây sầu đâu thật là một nhà máy hóa học tinh vi mà chưa có một thực hiện nào của con người có thể sánh được. Đặc biệt, trong số các hóa chất tự nó chế tạo ra, azadirachtin cũng như salanin, nimbin, deacetylnimbin đã từng được lập công thức thành thuốc trừ sâu bọ, bảo vệ mùa màng, hoa quả (10), bên cạnh các chất thuốc khử trùng, chống viêm, chữa loét, khối u, diệt muỗi, chữa trị sốt rét, bao dưỡng da, tóc, phòng ngừa thụ thai,… để chỉ kể một số ứng dụng thường gặp. Thật đúng là “cây dược phẩm trong làng”. Và cũng dễ hiểu khi thấy những hãng thuốc Hoa Kỳ muốn ghi văn bằng đoạt chiếm một tài nguyên quí báu như vậy, dân nhiều nước nhất là Á châu, đứng hàng đầu là Ấn Độ, lên tiếng phản đối. Nước ta chú trọng về canh nông, bị nhiều bệnh nhiệt đới hoành hành, không thể không kiếm cách khai thác một tài nguyên có một không hai như cây sầu đâu. Thông tin khoa học và Công nghệ 3 (1996) 3-24 (có sửa chữa và bổ sung) http://khoahocnet.com/2012/01/02/vo-quang-y%E1%BA%BFn-s%E1%BA%A7u-dau-s%E1%BA%A7u-dong-cay-thu%E1%BB%91c-tr%E1%BB%8B-ba-ch%E1%BB%A9ng/#more-3129

No comments:

Post a Comment