Thursday, August 8, 2013

Làm giàu trên đất Tây Nam Bộ

Làm giàu trên đất Tây Nam Bộ Thứ hai, 01/07/2013 - 02:07 AM (GMT+7) [+] Cỡ chữ: Mặc định Nhiều nông dân đồng bằng sông Cửu Long làm giàu từ nghề nuôi cá tra. Nhiều nông dân đồng bằng sông Cửu Long làm giàu từ nghề nuôi cá tra. Về miền Tây, những vùng quê nghèo nắng cháy da lưng, đồng khô cỏ lác, những vườn cây cỏ dại um tùm che đỉnh đầu người... của những năm đầu giải phóng đã trở thành quá khứ. Giờ đây, dưới bàn tay, khối óc cùng sự chịu thương, chịu khó của những người nông dân cần cù, một nắng hai sương, đất và quê hương miền Tây Nam Bộ đã thay da đổi thịt. Những mô hình nông dân làm giàu, những cánh đồng, vườn cây, ao cá... thu về hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm không còn là chuyện hiếm ở vùng đất này. Hàng trăm nghìn mô hình nông dân làm giàu ở miền Tây có nét riêng đặc biệt; đó là đa dạng từ những mô hình đa canh, xen canh, thâm canh, luân canh; từ những cánh đồng lúa vàng trĩu hạt, những vườn cây trĩu quả đến những ao cá, vuông tôm, ruộng muối... Tất cả tạo nên bức tranh tổng thể của một miền Tây phát triển, một đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đang vươn mình cùng cả nước xây dựng nền kinh tế nông nghiệp bền vững. Về đất Sóc Trăng, một trong những tỉnh mới chia tách còn nhiều khó khăn nhất vùng ÐBSCL, chúng tôi không khỏi cảm phục trước những mô hình nông dân làm giàu hiệu quả. Từ trung tâm TP Sóc Trăng đến vùng tôm - lúa ở xã Ngọc Ðông, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), rẽ vào đường nhánh xuyên qua cánh đồng tôm - lúa, chạy quanh co chừng 30 km mới tới Hợp tác xã (HTX) lúa - tôm Hòa Lời, một trong những mô hình điểm sáng nhất trong phong trào phát triển nông nghiệp của nông dân tỉnh Sóc Trăng nhiều năm qua. Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, Chủ nhiệm HTX Mai Văn Chánh cho biết: Trước đây, nông dân vùng này chỉ trông cậy vào một vụ tôm, nhưng lại mất mùa thường xuyên. Cuộc sống của phần lớn bà con khá bấp bênh, nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ nần. Vài năm trước, lúc nào chúng tôi cũng canh cánh trong lòng nỗi lo làm sao để gia đình mình và bà con nơi đây thoát khỏi cảnh đói nghèo, vươn lên khá, giàu trên vùng đất Ngọc Ðông này. Ông Chánh nhớ lại: "Thấy một số nơi có vùng đất lợ, xâm nhập mặn theo chu kỳ nhưng vẫn có thể canh tác lúa, nhất là ở tỉnh Kiên Giang, cho nên tôi đã bàn với anh em thử canh tác xen canh giữa cây lúa và con tôm xem sao. Con tôm sẽ vẫn là nguồn thu chính nhưng chính nó giúp cải tạo nguồn nước cho cây lúa phát triển. Nếu lúa tốt thì mình có thêm thu nhập, nhưng nếu có cho năng suất thấp thì cũng còn con tôm. Ðiều quan trọng là sau khi thu hoạch một vụ tôm, thường xuyên cho nước ra vào ruộng, cứ như vậy kéo dài khoảng nửa tháng để rửa mặn trên đồng ruộng thì mới bắt tay vào làm một vụ lúa. Cuối cùng, bà con nơi đây quyết không bỏ con tôm mà chọn mô hình một vụ tôm, một vụ lúa. Hiệu quả mang lại từ mô hình này đã thấy rõ". Ði nhiều nơi tìm giống, học hỏi kinh nghiệm canh tác, kỹ thuật xử lý nguồn nước, bón phân, xịt thuốc... cuối cùng 30 người đầu tiên tham gia làm xã viên trong HTX đã chọn một loại giống lúa kháng rầy sâu bệnh, chịu mặn; xuống giống đồng loạt để né rầy. Niềm vui ấy còn được nhân lên gấp bội khi chỉ vài vụ canh tác hiệu quả, Công ty cổ phần Gentraco tại TP Cần Thơ liên kết với HTX bao tiêu luôn hạt lúa làm ra, tạo đầu ra càng ổn định hơn cho cây lúa trên đồng ngập mặn Ngọc Ðông này. Chỉ riêng gia đình ông Chánh, sau chưa đầy 10 năm phát triển, với 1,7 ha đất canh tác, mỗi năm luân canh vụ tôm - vụ lúa, có tổng thu nhập hơn 320 triệu đồng. Riêng lúa sản xuất theo quy trình GlobalGAP thì bán cao hơn giá thị trường 20%. Ông Chánh đã xây được một căn nhà hơn 500 triệu đồng, mua sắm đầy đủ tiện nghi, lo cho hai con ăn học. Từ đây, hàng nghìn nông dân ở các xã chung quanh cũng đã làm giàu từ mô hình tôm - lúa trên vùng đất lợ như ông Chánh, nhiều hộ có "của ăn của để". Chia tay mô hình lúa - tôm ở Sóc Trăng, ngược dòng sông Hậu, về tỉnh An Giang, một trong những địa phương có nhiều mô hình canh tác đất nông nghiệp hiệu quả, trong đó, các mô hình xen canh hai lúa một màu hay chuyên canh lúa đặc sản, nếp thơm, vườn rừng kết hợp chăn nuôi hay ruộng - vườn - ao - chuồng khép kín... đã trở thành điểm sáng trong phong trào nông dân làm giàu của khu vực và trong cả nước từ những năm đầu đổi mới. Trên những vùng đất cao, phèn nặng, vừa khai phá hơn 10 năm qua: Lương Phi, An Tức, Lương An Trà (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), tưởng chừng là vùng đất chết nhưng nay đã trở thành vùng đất vàng với mô hình xen canh hai lúa một màu hiệu quả. Trên cánh đồng xã An Tức, anh Trần Văn Phước đang cùng hàng chục nhân công xuống giống cây dưa hấu xen canh giữa hai vụ lúa đông xuân - hè thu, cho biết: "Nếu ai từng biết về đất này hơn chục năm về trước khó mà nghĩ được có thể xen canh hai lúa một màu. Cây lúa giờ đã cho năng suất bình quân từ năm tấn đến bảy tấn/ha, còn dưa hấu cũng cho thu hoạch mỗi vụ ít nhất từ ba đến sáu triệu đồng/công, vụ trúng giá lên đến cả chục triệu đồng/công. Nếu tính bình quân, đất nông nghiệp ở vùng này giờ cho thu nhập mức bình quân cũng ngót nghét 40 đến 60 triệu đồng/ha". Chuyện làm giàu thành công của người nông dân nơi đây cũng phải nhờ việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác cùng sự năng động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ðó là việc nông dân đồng lòng cùng Nhà nước, chính quyền địa phương xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng, thau chua, rửa phèn. Hội Nông dân các cấp triển khai chương trình khuyến nông, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng. Và chính sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy làm ăn, những ruộng lúa thuần nông bắt đầu xuất hiện và giờ đây, vùng đất phèn miền núi Tri Tôn đã có thể canh tác ba vụ lúa/năm và cả xen canh hai lúa một màu, đặc biệt là đã thành công với nhiều trang trại canh tác lúa giống hàng đầu của tỉnh. Về chuyện làm giàu trên vùng "đất chết" một thời, vua lúa giống Tư Liêu (Lê Minh Liêu, thương binh hạng 4/4, ngụ xã Lương Phi, Tri Tôn, An Giang) kể: "Vùng này ngày trước gần như là vùng "đất chết", nhờ Nhà nước hỗ trợ, bà con nông dân mạnh dạn tiến hành áp dụng các biện pháp xử lý vôi, phân theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp, nhất là các biện pháp cấy, sạ hàng hiệu quả. Từ đó, những ruộng lúa giống đã hình thành, không chỉ giúp bà con có nguồn giống tốt mà còn tăng nguồn thu nhập đáng kể". Từ năm 2005 đến nay, những công ty, doanh nghiệp tư nhân, trang trại nhân lúa giống quy mô như Tiêu Liêu, Sáu Ðức, Bình Binh... đã trở thành những mô hình làm giàu tiêu biểu trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở tỉnh An Giang. Chia tay những ruộng đồng, con tôm ở Sóc Trăng, An Giang, qua đất Ðồng Tháp ven dòng sông Tiền, những năm qua, dưới sự hỗ trợ từ các cấp Hội Nông dân, ngành chức năng, chính quyền địa phương, phong trào nông dân làm giàu nơi đây cũng khá đa dạng. Thăm những trang trại trồng hoa kiểng nức tiếng của nhà nông xứ Sa Ðéc đến những vườn cam quýt ngọt lịm, chín vàng trĩu quả miệt Lai Vung mới thấy hết chuyện làm ăn của bà con cũng như đời sống nhân dân vùng đất Cửu Long ngày một thay da, đổi thịt. Về Sa Ðéc, không khó để tìm gặp những triệu phú trồng hoa đất này. Là nghề truyền thống cho nên nông dân Sa Ðéc đã thật sự trở thành những chuyên gia của mô hình làm giàu từ cây hoa ở đất miền Tây. Chị Phạm Thị Liễu, một nông dân có nhiều năm trong nghề trồng hoa, cây kiểng ở Tân Quy Ðông cho biết, với diện tích gần hai ha đất trồng hoa, cây kiểng quanh năm, chị thu lợi hằng năm hơn 200 triệu đồng, đủ trang trải trong gia đình, nuôi con ăn học và có của dư của để. Ba năm qua, chính quyền thị xã Sa Ðéc đã xây dựng một thương hiệu cạnh tranh thật sự cho hoa, cây cảnh hình thành. Hiện có hơn 1.500 hộ trồng hoa, cây cảnh với hơn 1.000 chủng loại hoa, cây cảnh khác nhau, tạo nên một nét riêng độc đáo rực rỡ sắc mầu bên dòng sông Tiền. Bình quân mỗi ha trồng hoa, cây cảnh thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm, lãi gấp 5 đến 10 lần trồng lúa. Về đất Lai Vung, gặp nhà vườn Trần Văn Tấn, một nông dân đã nhiều năm canh tác quýt, kể: "Cây quýt đường, quýt hồng, cam mật, cam sành... đã trở thành thương hiệu cho vùng đất Lai Vung. Tuy nhiên, ngày trước, thế hệ cha ông chỉ canh tác theo truyền thống, đầu ra không ổn định rồi thoái hóa giống... cho nên có thời kỳ, cây có múi nói chung ở đất này bị đốn hạ gần hết. Nhưng gần ba năm trở lại đây, nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong ghép giống cây trồng, canh tác theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP..., cùng sự hợp tác với các đầu mối tiêu thụ ổn định, uy tín, cho nên giờ cây quýt đường đã trở thành "cây hái ra tiền" cho bà con Lai Vung". Quýt đường trồng bằng kỹ thuật ghép, thời gian sinh trưởng và cho trái khá nhanh, khoảng từ 18 đến 24 tháng là có thu hoạch. Do đặc tính quýt đường là ra hoa, có trái nhiều đợt trong một năm, cho nên dù năng suất không cao và cho trái không tập trung như quýt hồng, nhưng giá cả ổn định, cho thu nhập cao. Vài năm trở lại đây, mô hình trồng quýt đường đã nhân rộng với khoảng 700 ha, Lai Vung không những đã gây dựng lại được thương hiệu "vương quốc cam quýt" một thời mà còn giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định và nhiều nhà vườn trở thành triệu phú. Còn rất nhiều mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, liên kết canh tác, mô hình kinh tế vườn, trang trại hiệu quả... của bà con nông dân đất miền Tây Nam Bộ. Thế nhưng, kết cho câu chuyện về chuyện "làm giàu trên đất miền Tây" của những tỷ phú nông dân miền đất "chín rồng", chúng tôi xin mượn lời tâm sự của một nông dân, cũng nguyên là lãnh đạo nông nghiệp, chính quyền tỉnh An Giang, đồng chí Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: Nông dân miền Tây thật năng động. Ðể ngày càng có nhiều nông dân triệu phú, tỷ phú, cần chỉ cho họ đâu có nhiều cá, đâu mua được cần câu tốt, từ đó họ sẽ nắm bắt ngay để "câu ngay, câu nhiều" những con cá lớn. Hơn 20 năm qua, cây lúa đã giúp nhiều nông dân ÐBSCL trở thành những "tỷ phú hai lúa". BẢO TRỊ, MINH TRƯỜNG và NHỰT TRUNG http://www.nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/20669602-l%C3%83%C6%92%C3%82%C2%A0m-gi%C3%83%C6%92%C3%82%C2%A0u-tr%C3%83%C6%92%C3%82%C2%AAn-%C3%83%E2%80%9E%C3%A2%E2%82%AC%CB%9C%C3%83%C2%A1%C3%82%C2%BA%C3%82%C2%A5t-t%C3%83%C6%92%C3%82%C2%A2y-nam-b%C3%83%C2%A1%C3%82%C2%BB%C3%A2%E2%80%9E%C2%A2.html

No comments:

Post a Comment